Tin tức Tin tức bất động sản
Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 3/2018
Thứ sáu | 02/03/2018 16:16
Thuê bao di động trả trước được khuyến mại tối đa 20%, yêu cầu xác thực trong giao dịch chứng khoán trực tuyến, cần 12 loại giấy tờ để kiểm tra chất lượng 01 ô tô nhập khẩu mới... là những chính sách mới có hiệu lực từ ngày 1/3/2018.

Thu tiền sử dụng đất với diện tích tăng thêm

Nội dung này được quy định tại Thông tư 10/2018/TT-BTC về việc sửa đổi, bổ sung một số điều về thu tiền sử dụng đất, có hiệu lực từ ngày 20-3 quy định.

Việc thu tiền sử dụng đất khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất tăng thêm do đo đạc lại so với giấy tờ về quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất được quy định như sau:

Nếu hộ gia đình, cá nhân đã có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với thửa đất đó thì phải nộp tiền sử dụng đất với phần diện tích tăng thêm do đo đạc lại theo chính sách và giá đất tại thời điểm đã cấp Giấy chứng nhận.

Trường hợp hộ gia đình, cá nhân đã có các giấy tờ về quyền sử dụng đất khác thì nộp tiền sử dụng đất đối với phần diện tích đất tăng thêm theo chính sách và giá đất tại thời điểm có quyết định công nhận quyền sử dụng đất tăng thêm của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Dừng khuyến mại 50% thẻ nạp cho thuê bao di động trả trước

Nội dung đáng chú ý này được quy định tại Thông tư 47/2017/TT-BTTTT về hạn mức khuyến mại đối với dịch vụ thông tin di động mặt đất.

Theo đó, mức tổng giá trị tối đa dùng để khuyến mại trong một chương trình khuyến mại đối với dịch vụ thông tin di động có sự thay đổi như sau:

- Đối với thuê bao di động trả trước không được vượt quá 20% tổng giá trị của dịch vụ thông tin di động (giảm tới 30% so với quy định hiện hành).

- Đối với thuê bao di động trả sau vẫn được hưởng nguyên mức khuyến mại là không được vượt quá 50% tổng giá trị của dịch vụ thông tin di động.

Thông tư còn quy định tiêu chuẩn đánh giá thuê bao là khách hàng thường xuyên để tổ chức khuyến mại giảm giá như sau:

- Đối với thuê bao di động trả trước:

+ Đã sử dụng dịch vụ liên tục tối thiểu là 01 năm;

+ Tổng giá cước đã thanh toán cho nhà mạng kể từ khi đăng ký là thuê bao tối thiểu là 1.000.000 đồng.

- Đối với thuê bao di động trả sau, bao gồm cả thuê bao chuyển từ trả trước sang trả sau trong thời gian thực hiện chương trình khách hàng thường xuyên.

Cần 12 loại giấy tờ để kiểm tra chất lượng 01 ô tô nhập khẩu mới

Nội dung này được quy định tại Thông tư 03/2018/TT-BGTVT về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô nhập khẩu thuộc đối tượng của Nghị định 116/2017/NĐ-CP ngày 17/10/2017.

Theo đó, trong hồ sơ mà doanh nghiệp đăng ký kiểm tra đối với 01 xe ô tô nhập khẩu chưa qua sử dụng cần có 12 loại giấy tờ sau:

- Bản đăng ký kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường ô tô nhập khẩu theo mẫu;

- Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nước ngoài cấp cho từng ô tô;

- Bản thông tin xe cơ giới nhập khẩu theo mẫu;

Và bản sao của các giấy tờ:

- Giấy chứng nhận (GCN) chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài;

- GCN kiểu loại linh kiện của lốp, gương chiếu hậu, đèn chiếu sáng phía trước, kính được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền;

- Tài liệu kết quả đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nước ngoài đối với nhà máy sản xuất ra kiểu loại ô tô còn hiệu lực được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài;

- Hóa đơn thương mại;

- Bản giải mã số VIN của nhà sản xuất (cho kiểu loại chứng nhận lần đầu);

- Tài liệu giới thiệu tính năng và thông số kỹ thuật xe của nhà sản xuất;

- Tờ khai hàng hóa nhập khẩu đối với hồ sơ giấy; số, ngày, tháng, năm của Tờ khai đối với hồ sơ điện tử;

- Báo cáo thử nghiệm khí thải;

- Báo cáo thử nghiệm an toàn.

5 trường hợp thu hồi chứng chỉ bồi dưỡng cán bộ, công chức

Ngày 08/01/2018, Bộ Nội vụ ban hành Thông tư 01/2018/TT-BNV hướng dẫn Nghị định 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức sau khi hoàn thành các khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành bắt buộc bị thu hồi chứng chỉ bồi dưỡng trong các trường hợp sau:

- Có sự gian lận trong việc chiêu sinh, học tập;

- Cấp cho người không đủ điều kiện;

- Cấp không đúng thẩm quyền;

- Chứng chỉ bị tẩy xóa, sửa chữa;

- Để cho người khác sử dụng.

Cán bộ, công chức, viên chức vi phạm về in, cấp, quản lý và sử dụng chứng chỉ bồi dưỡng, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị kỷ luật theo quy định của Luật cán bộ, công chức, Luật viên chức; bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có dấu hiệu tội phạm.

Ngoài ra, Thông tư này cũng quy định về việc tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ở nước ngoài cũng như tiêu chuẩn, nhiệm vụ, chế độ làm việc và chính sách đối với giảng viên trong các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.

5 tiêu chí đánh giá giảng viên đào tạo cán bộ, công chức

Bộ Nội vụ ban hành Thông tư 10/2017/TT-BNV về đánh giá chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Theo đó, sẽ áp dụng các tiêu chí sau để tiến hành đánh giá chất lượng đối với giảng viên chịu trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức:

- Kiến thức, bao gồm kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn;

- Phẩm chất đạo đức, nghề nghiệp thông qua việc thực hiện các nội quy, quy định và thái độ ứng xử với học viên;

- Trách nhiệm trong quá trình giảng dạy đơn cử như: hiểu rõ mục đích, yêu cầu của khóa bồi dưỡng; biên soạn bài giảng phục vụ giảng dạy,...

- Phương pháp giảng dạy thông qua cách truyền đạt nội dung các chuyên đề, mức độ liên hệ bài học với thực tiễn, sử dụng các phương tiện hỗ trợ giảng dạy,...

- Phương pháp kiểm tra, đánh giá của giảng viên thông qua việc lựa chọn nội dung thi, kiểm tra phù hợp với nội dung học, thực hiện chính xác, khách quan trong kiểm tra, đánh giá,...

Thông tư này cũng đồng thời đề ra các tiêu chí, chỉ báo để đánh giá chất lượng học viên, chương trình, cơ sở vật chất, khóa bồi dưỡng, hiệu quả sau bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Nhiệm kỳ Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố có thể là 5 năm

Đây là nội dung nổi bật tại Thông tư 09/2017/TT-BNV sửa đổi Thông tư 04/2012/TT-BNV hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố.

Theo đó, Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố có nhiệm kỳ 02 năm rưỡi hoặc 05 năm do UBND cấp tỉnh quy định thống nhất và phù hợp với điều kiện của từng địa phương (quy định hiện hành chỉ cho phép nhiệm kỳ 02 năm rưỡi).

Nếu do thành lập thôn mới, tổ dân phố mới hoặc khuyết Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố thì Chủ tịch UBND cấp xã cử Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố lâm thời điều hành hoạt động của thôn, tổ dân phố đến khi bầu được trong thời hạn không quá 06 tháng từ ngày có quyết định cử Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố lâm thời.

Cũng theo quy định này, nhiệm kỳ của Phó trưởng thôn, Tổ phó tổ dân phố thực hiện theo nhiệm kỳ của Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố.

Thời hạn báo cáo tình hình hoạt động đấu thầu định kỳ hàng năm

Nội dung này được đề cập tại Thông tư 06/2017/TT-BKHĐT quy định chi tiết việc cung cấp thông tin về đấu thầu, báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu về lựa chọn nhà thầu. Theo đó:

- Báo cáo hoạt động đấu thầu định kỳ hàng năm của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, Tập đoàn kinh tế nhà nước, ...phải được gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư (BKHĐT) trước ngày 01/02 năm tiếp theo của kỳ báo cáo;

 

- Báo cáo thực hiện hoạt động đấu thầu trên cả nước theo định kỳ hàng năm do BKHĐT tổng hợp phải được trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/4 năm tiếp theo của kỳ báo cáo.

- Trường hợp các thời điểm báo cáo nêu trên trùng với ngày nghỉ hàng tuần hoặc nghỉ lễ theo quy định của pháp luật về lao động thì thời điểm báo cáo là ngày làm việc đầu tiên sau ngày nghỉ hoặc thời điểm nghỉ lễ.

Xem thêm hướng dẫn chi tiết về các thông tin và số liệu báo cáo tại Thông tư 06/2017/TT-BKHĐT ngày 05/12/2017.

Quy định dùng thẻ tín dụng

Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự được sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước (quy định cũ, đối tượng này cần phải có tài sản riêng đảm bảo thực hiện nghĩa vụ trong việc sử dụng thẻ mới được sử dụng các loại thẻ này).

Người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự được người đại diện theo pháp luật của người đó đồng ý bằng văn bản về việc sử dụng thẻ được sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ trả trước thay vì được sử dụng thẻ trả trước, thẻ ghi nợ không được thấu chi như trước đây.

Ngoài ra, về hạn mức rút ngoại tệ tiền mặt tại nước ngoài, một thẻ chỉ được rút số ngoại tệ tiền mặt tối đa tương đương 30 triệu đồng Việt Nam trong một ngày.

Vấn đề này được quy định tại Thông tư số 26/2017/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016/TT-NHNN năm 2016 quy định người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự được sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước, có hiệu lực thi hành từ ngày 3/3 quy định.

Hướng dẫn xử lý khi Hệ thống đầu thầu qua mạng gặp sự cố

Đây là nội dung đổi mới tại Thông tư 04/2017/TT-BKHĐT quy định chi tiết về lựa chọn nhà thầu qua Hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia.

Theo đó, quy định về gia hạn thời điểm đóng thầu, mở thầu khi Hệ thống gặp sự cố phải tạm ngừng cung cấp dịch vụ như sau:

- Trường hợp sự cố được khắc phục và Hệ thống bắt đầu hoạt động lại trong thời gian từ 0h00’ đến 12h00’ thì thời điểm đóng thầu, mở thầu mới là 15h00’ cùng ngày.

- Trường hợp sự cố được khắc phục và Hệ thống bắt đầu hoạt động lại trong khoảng thời gian sau 12h00’ đến 24h00’ thì thời điểm đóng, mở thầu mới là 9h00’ của ngày tiếp theo.

- Trường hợp sự cố được khắc phục và Hệ thống bắt đầu hoạt động lại trong các ngày thứ 7, chủ nhật, ngày nghỉ lễ, tết thì thời điểm đóng, mở thầu mới là 9h00’ của ngày đi làm đầu tiên sau kỳ nghỉ.

-Trường hợp phải gia hạn thời điểm đóng, mở thầu trường hợp trên thì việc đánh giá E-HSDT được thực hiện trên cơ sở thời điểm đóng, mở thầu nêu trong E-HSMT đã đăng tải lên Hệ thống.

Thông tư 04/2017/TT-BKHĐT thay thế cho Thông tư 07/2016/TT-BKHĐT và Chương III Thông tư liên tịch 07/2015/TTLT-BKHĐT-BTC ngày 08/9/2015.

Thêm trường hợp cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích bảo trì đường thủy nội địa theo phương thức đặt hàng

Đây là nội dung mới nổi bật tại Thông tư 53/2017/TT-BGTVT quy định về đấu thầu, đặt hàng sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích quản lý, bảo trì đường thủy nội địa.

Theo đó, sẽ áp dụng theo phương thức đặt hàng đối với các sản phẩm, dịch vụ công ích như:

- Khảo sát, theo dõi thông báo tình trạng thực tế tuyến luồng chạy tàu, thuyền;

- Tổ chức giao thông, kiểm tra bảo vệ công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa;

- Quản lý, lặp đặt, điều chỉnh báo hiệu đường thủy nội địa trên bờ, dưới nước;

- Theo dõi thủy chí, thủy văn, đếm phương tiện;

- Bảo trì và sửa chữa thường xuyên báo hiệu, phương tiện, thiết bị các công trình phục vụ trên tuyến đường thủy nội địa đang khai thác;

- Các công tác khác liên quan trực tiếp đến sửa chữa, bảo trì thường xuyên đường thủy nội địa.

Trường hợp phải thực hiện thường xuyên, liên tục ngay từ ngày 01/01 hàng năm và để đảm bảo an toàn theo quy định thì được thực hiện phương thức đặt hàng trong khoảng thời gian kể từ khi được Bộ Giao thông vận tải giao dự toán chi ngân sách nhà nước đến khi kết thúc công tác đấu thầu, ký kết hợp đồng; và

Bắt đầu thực hiện cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích theo quy định, nhưng thời gian không quá 03 tháng kể từ khi được Bộ Giao thông vận tải giao dự toán chi ngân sách nhà nước.

Thông tư 53/2017/TT-BGTVT bãi bỏ Thông tư 26/2014/TT-BGTVT ngày 08/7/2014.
 

Hồng Vân

                 Trí Thức trẻ



Các bài viết khác