Tin tức Tin tức bất động sản
Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 7
Thứ hai | 03/07/2017 08:09
Tăng lương cơ sở đối với 9 nhóm đối tượng, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, nguyên tắc tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam... là những chính sách sẽ có hiệu lực từ 1/7.

Tăng lương cơ sở cho công chức viên chức

Theo Nghị định 47/2017/NĐ-CP, mức lương cơ sở từ ngày 1/7 là 1.300.000 đồng/tháng (tăng 90.000 đồng so với trước).

Mức lương này áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp và người lao động làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động ở trung ương, địa phương và lực lượng vũ trang.

Nhung chinh sach co hieu luc tu thang 7 hinh anh 1
Lương cơ sở được tăng lên 90.000 đồng.

Siết chặt giá thuốc

Có hiệu lực từ ngày 1/7, Nghị định 54/2017/NĐ-CP quy định những biện pháp nhằm quản lý giá thuốc bao gồm kê khai, kê khai lại giá thuốc, niêm yết giá thuốc, dấu thầu mua thuốc…

Nghị định nêu rõ cơ sở kinh doanh dược có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các quy định về kê khai, kê khai lại giá thuốc và các quy định khác về quản lý giá thuốc; chịu trách niệm trước pháp luật về giá kê khai, kê khai lại và tính chính xác của các số liệu, tài liệu báo cáo, thông tin do cơ sở cung cấp.

Cơ sở kinh doanh không được bán thuốc khi chưa có giá kê khai, kê khai lại được công bố trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Y tế do chính cơ sở sản xuất hoặc cơ sở đặt gia công. Cơ sở kinh doanh dược không được bán buôn, bán lẻ thuốc cao hơn mức giá kê khai, kê khai lại được công bố.

Khám bệnh dưới 195.000 đồng không phải cùng chi trả

Công văn 2039 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam về việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế nêu rõ từ ngày 1/7 áp dụng mức lương cơ sở mới (1.300.000 đồng/tháng) để thanh toán chế độ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Người có thẻ bảo hiểm y tế đi khám, chữa bệnh đúng quy định, có tổng chi phí một lần khám, chữa bệnh thấp hơn 195.000 đồng không phải thực hiện cùng chi trả (quy định hiện hành là 181.500 đồng).

Công văn cũng nêu rõ thanh toán trực tiếp chi phí cùng chi trả vượt quá 7,8 triệu đồng (hiện tại là 7,26 triệu đồng) đối với người tham gia bảo hiểm y tế 5 năm liên tục trở lên.

Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

Nghị định số 56/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em, đặc biệt là trách nhiệm của từng chủ thể trong việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, có hiệu lực từ 1/7.

Chương IV của Nghị định này quy định rõ, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng và cá nhân khi đưa thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em lên mạng phải có sự đồng ý của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên; có trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin của trẻ em.

Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng phải sử dụng các biện pháp, công cụ bảo đảm an toàn về thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em, các thông điệp cảnh báo nguy cơ khi trẻ em cung cấp, thay đổi thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em.

Nhung chinh sach co hieu luc tu thang 7 hinh anh 2
Trẻ em được bảo vệ trên môi trường mạng.

Cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ trẻ em theo quy định của pháp luật có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ và cá nhân tham gia hoạt động trên môi trường mạng xóa bỏ các thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em để bảo đảm sự an toàn và lợi ích tốt nhất của trẻ em.

Quy định tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam

Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015 có hiệu lực từ 1/7 dành riêng Điều 95 quy định các nguyên tắc đối với tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam.

Các nguyên tắc như: phải được sự cho phép của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định; phải tôn trọng, tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, trừ trường hợp có thỏa thuận khác giữa quốc gia tàu mang cờ và các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam qua đường ngoại giao trước khi tàu đến Việt Nam.

Chương trình hoạt động của tàu và các thành viên trên tàu phải thực hiện theo kế hoạch đã thỏa thuận, trường hợp có sự thay đổi, phát sinh phải được phép của các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Bộ luật cũng quy định khi tàu quân sự nước ngoài đến lãnh hải Việt Nam để đến cảng biển phải thực hiện các quy định sau: Tàu ngầm và phương tiện đi ngầm khác phải hoạt động ở trạng thái nổi trên mặt nước và phải treo Quốc kỳ Việt Nam ở vị trí ngang bằng với quốc kỳ của quốc gia tàu mang cờ.

Ngoài ra, bên ngoài thân tàu phải ghi rõ số hiệu, tên tàu; đưa toàn bộ vũ khí về tư thế quy không hoặc ở trạng thái bảo quản... Nếu, tàu muốn di chuyển từ cảng biển này sang cảng biển khác của Việt Nam phải được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.

Nguồn : Zing.vn



Các bài viết khác